Posts Tagged ‘Câu Thi Na’

12. Hành trình cuối cùng của Phật

Ba mẹ tới Kushinagar (Câu-thi-na) lúc nửa đêm. Xe chạy thẳng vào một ngôi chùa. Trời tối om. Qua cửa xe mẹ lờ mờ nhìn thấy hàng chữ Linh Sơn … nhỏ xíu. Ba mẹ được một anh làm công quả người Việt tiếp đón nhiệt tình. Đêm đó ba mẹ có được một chỗ nghỉ êm ấm.

Sáng sớm, sau một lúc dạo quanh khuôn viên chùa mẹ mới nhận ra đây chính là ngôi chùa được nói đến trong ký sự Huyền Bí Sông Hằng. Chùa vắng vẻ, nổi bật với các tháp Tứ Động Tâm thu nhỏ. Tiếp chuyện ba mẹ là anh công quả và Ni sư Định Tịnh, là người Việt, sống ở Hồng Kông nhưng qua Ấn ít ngày trông chùa giúp Ni Sư trụ trì. Theo lời kể của Ni sư, chùa Linh Sơn do Ni Sư Việt Kiều người Pháp xây dựng nơi thánh địa để tu học và giúp đỡ người dân ở vùng Kushinagar nghèo khó. Sư cô đã mở trường học miễn phí cho trẻ em ở đây, thuê giáo viên người bản xứ dạy miễn phí cho trẻ em học đến trung học. Ngoài ra trường còn nhận nuôi trẻ em mồ côi và đỡ đầu cho trẻ em có gia cảnh khó khăn.

Bữa ăn sáng tại chùa đơn sơ mà rất ngon, mì gói chay mang từ ViệtNam. Thấy Ni Sư Định Tịnh không ăn gì, mẹ hỏi ra mới biết Ni Sư đang thực tập nhịn ăn đã 3 ngày rồi, Ni Sư vẫn rất khỏe, tỉnh táo và nhìn rất hiền. Ni Sư Định Tịnh vui vẻ dẫn đường ba mẹ thăm viếng thánh địa.

Cũng như Bodh Gaya có cội bồ đề, ba mẹ nóng lòng tìm cây sala tại đây. Quả thật rất dễ dàng nhìn thấy cây sala. Hai cây sala khá to nhưng còn trẻ, được trồng ngay trước lối vào tháp Niết Bàn. Cây sala này có ý nghĩa biểu trưng, như nhắc nhở mọi người rằng mình đang ở Kusinagar, mình chuẩn bị chiêm bái nơi Phật nhập Niết Bàn. Cây sala ở đây nổi tiếng đến mức trẻ em trong làng cầm những chiếc lá khô bám theo khách hành hương và luôn miệng mời gọi “sala sala, 10 rupees” (hihi)

Theo kinh sách, Phật nhập diệt trong rừng sala. Khi ấy, cây cỏ cũng biết tiếc thương. Lá sala bỗng biến thành trắng xóa. Mẹ nhớ mấy câu:

            ” … Lá các cây Sala,
bỗng biến thành trắng xóa,
như một rừng hạc trắng,
rồi thì lá hoa trái,
vỏ cây và nhành cánh,
khô dần thành nứt nẻ,
gẫy rụng lả tả rơi…”

Ba mẹ chậm rãi theo chân Ni Sư Định Tịnh trên con đường nhỏ tới tháp Niết Bàn, đoạn đường xanh mát, sạch sẽ. Đi một đoạn khá xa rồi mà ba con vẫn còn ngoái đầu nhìn lại hai cây sala và chụp thật nhiều ảnh.

Trước mặt mẹ là tháp Niết Bàn lớn, sơn trắng, có hình dáng đặc trưng kiến trúc đền tháp Ấn Độ khá lạ mắt. Bên trong tháp, nổi bật là bức tượng Phật đang nằm, thân đắp y vàng. Một đoàn Phật tử hành hương đang làm lễ dâng y. Đoàn người đông đúc nhưng trật tự, nhẹ nhàng, thanh tịnh. Ba mẹ đứng chờ hồi lâu mới tới lượt mình.

Tiếp đó Ni sư dẫn ba mẹ tới nền nhà nơi Phật ngã bệnh sau khi dùng bát cháo cúng dường cuối cùng.  Đó là một cái nền nhỏ hoang vu, ẩm ướt, xung quanh là nước lấp xấp.

Trong đạo pháp có hai bữa cúng dường quan trọng nhất. Bữa cúng dường thứ nhất là bát cháo sữa cứu mạng mà mẹ đã kể. Bữa cúng dường thứ hai là của ông Cunda. Sau khi dùng bữa ăn này, Phật nhập diệt. Có rất nhiều truyền thuyết, giả thuyết, suy luận của các nhà nghiên cứu Phật học nhưng mẹ thích suy luận cho rằng Đức Phật bị ngộ độc, cộng với tuổi cao sức yếu nên mới mất ở Kushinagar. Qua đó thấy được Đức Phật là một nhân vật lịch sử và vẫn không nằm ngoài quy luật sinh diệt của tạo hóa. Việc Đức Phật nhập diệt có ý nghĩa to lớn, bước ngoặt.

Như một người cha có đàn con nhỏ, dù cha luôn hết lòng khuyên bảo đàn con chí thú nhưng chúng vẫn bỏ ngoài tai. Cha vẫn còn đó, nơi nương tựa dựa dẫm vẫn còn đó, khi cần đã có cha bên cạnh đỡ đần, chở che. Đến khi cha mất đi, đàn con mới bừng tỉnh, chợt nhận ra mình không còn chỗ nương tựa và bắt đầu thay đổi. Cũng như vậy, Phật nhập Niết Bàn là một nhân duyên cho Phật Pháp thay đổi và phát triển theo một hướng mới sâu rộng chưa từng có. Bằng chứng là cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất diễn ra không lâu sau khi Phật nhập diệt dưới sự bảo trợ của vua A-xà-thế. Điều mà khi Phật còn tại thế chưa từng có ai nghĩ đến.

Cách đó không xa là tháp Ramabhar, nơi trà tỳ nhục thân Đức Phật. Hình dáng tháp trông giống như một ngôi mộ bằng đá khổng lồ. Tháp này cũng đã từng bị chôn vùi như các thánh tích khác.

Tại sao Phật lại nhập diệt tại Kusinagar? Có nhiều truyền thuyết về vấn đề này như Phật cố tình chọn Kushinagar vì nơi đây đã từng là nơi linh địa trong các truyền thống văn hóa Ấn Độ cổ đại. Rất có lý. Nhưng mẹ lại thích quan điểm cho rằng khi đó Đức Phật biết mình đã tuổi cao sức yếu nên đã quyết định cho hành trình theo hướng Bắc về quê hương Ca-tì-la-vệ (cách Lumbini không xa), để có thể nhập diệt tại quê nhà. Nhưng chén cháo của Cunda đã giữ chân Phật tại Kushinagar. Phật nhập diệt tại đây và Kushinagar đã trở thành một trong bốn thánh địa quan trọng nhất của Phật Giáo.

Kushinagar là một thánh tích luôn gợi nhiều cảm xúc cho người chiêm bái về vòng luân hồi sinh diệt. Giữa nơi thánh địa trầm mặc, với niềm xúc cảm trào dâng, len lỏi, mẹ mới thấy thấm thía một trong những bài giảng cuối cùng của Phật. “Hãy nương tựa hải đảo tự thân…”. Phải rồi, trong kiếp nhân sinh này, có biết bao nhiêu là nỗi sợ hãi, biết bao nhiêu là khổ đau. Giáo pháp vẫn còn đó nhưng không sao tránh khỏi nhưng giây phút lung lạc, lạc lối. Đâu là thật, đâu là giả. Chỉ có nương tựa hải đảo tự thân, soi vào tận tâm mình bằng chánh niệm bừng sáng của chánh pháp. Khi đó tức là đã chạm tới Niết Bàn, còn sợ gì dòng sinh diệt luân hồi để mà cưỡi lên sóng sinh tử mà đi.

Đang suy nghĩ miên man, bỗng dưng xuất hiện một âm thanh gầm rú chói tai xẹt ngang trời. Mẹ hốt hoảng nhìn lên, đó là một chiếc máy bay quân sự đen ngòm của Ấn Độ đang diễn tập. Một cảm giác bất an ùa đến.

Ngày nay, Kushinagar là một thị trấn nhỏ, tập trung đông đúc chùa chiền của các nước và các khách sạn nhỏ dành cho du khách. Nhưng tâm trạng mẹ cảm thấy buồn khi đến đây. Không phải cái buồn do chủ quan của mình, vì nơi đây Phật nhập diệt, mà do cái không khí buồn bã, ảm đạm của một thị trấn nhỏ và mẹ đã nhìn thấy cuộc sống thường ngày của những người dân nghèo cơ cực. Nỗi buồn man mác vương vấn cho đến ngày mẹ về.

Trở về chùa, ba mẹ ngồi yên lặng mà ngắm nhìn những đứa trẻ đen nhẻm với nụ cười tươi trong bộ đồng phục rất tươm tất đang chơi đùa dưới tán lá trong khuôn viên chùa. Hình ảnh thật dễ thương, bình yên. Có những em bé mặc áo chú tiểu. Điều này khá lạ vì đa số người Ấn theo đạo Hindu, đạo Phật chiếm chưa tới 1% dân số.

Ngay hôm đó, ba mẹ đã phải tạm biệt Kushinagar, tạm biệt hình ảnh rừng cây sala tuyệt đẹp, tạm biệt Ấn Độ. Phía trước là vườn Lâm-tì-ni huyền thoại dưới chân dãy Himalya.

Khuôn viên chùa Linh Sơn mờ sương

Tháp Niết Bàn

Tượng Phật nhập diệt

Hai cây sala

Tháp Ramabhar, nơi trà tỳ nhục thân Đức Phật

Ba Bắp Cải chụp hình với Ni Sư Định Tịnh

Trường học tình thương

Read Full Post »

(Bắp Cải của mẹ, mỗi khi ba thắp nhanh bàn thờ Phật thì con chắp tay, cúi đầu sát đất lạy Phật. Mỗi khi mẹ bảo Mô Phật đi con là con làm liền. Vào chùa, không ai bảo con cũng tự nhiên lạy Phật. Khi bà nội dắt con tập đi quanh xóm, thấy bàn thờ nhà ai có đèn chớp chớp con cũng cúi đầu lạy, làm các ông bà Cụ trong xóm rất thích, còn tranh thủ hun con một cái! Bắp Cải giỏi ghê ta.)

11. Thánh địa bị lãng quên

Giã từ Linh Thứu, ba mẹ viếng thăm Trúc Lâm cách đó không xa. Đây là khu vườn vua Tần-Ba-Sa-La cúng dường Phật để tiện lợi cho việc tu tập của tăng đoàn và hoằng dương Phật Pháp. Phật đã từng trải qua nhiều mùa an cư ở đây. Trúc Lâm chính là cơ sở tu học đầu tiên của Phật giáo. Tại đây lần đầu tiên Phật giáo được tổ chức một cách có hệ thống và quy củ, được sự nhìn nhận rộng rãi của các tầng lớp dân chúng, thay thế cho hình ảnh các vị du tăng khất sĩ. Nhiều vị đệ tử lớn của Phật đã xuất thân từ Trúc Lâm, nổi bật là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Vì vậy đối với ba mẹ Trúc Lâm hẳn phải là một thánh địa quan trọng.

Trước khi đến, ba mẹ nghĩ Trúc Lâm phải có rất nhiều trúc. Và có trúc thật. Vài bụi trúc non bé tí ở cổng vào! Bên trong đó chỉ là một khuôn viên nhỏ, có hồ nước, có cỏ có cây và na ná như bất cứ cái công viên nhỏ nào ở mình. Điểm duy nhất nhận ra đây là Trúc Lâm có lẽ là dòng chữ Venu… trên bờ hồ và vài tượng Phật rải rát trong khuôn viên. Giữa khuôn viên vắng vẻ cô quạnh, tự nhiên mẹ cảm thấy một nỗi buồn vô cớ len lỏi trong tâm trí. Vương Xá xưa kia đã từng là thủ phủ của một vương triều hùng mạnh mà Trúc Lâm chính là biểu tượng tâm linh cho vương triều đó. Ngày nay, Vương Xá lẫn Trúc Lâm chỉ còn là một hình ảnh mờ nhạt ở một vùng quê hẻo lánh vùng Bắc Ấn.

Tạm biệt Trúc Lâm, tạm biệt Vương Xá, ba mẹ đến Nalanda vào buổi trưa nắng gắt, oi bức, nóng khủng khiếp. Hơn 2000 năm trước Nalanda là một tu viện Phật Giáo lớn nhất và được xem là đại học Phật Giáo đầu tiên và lâu đời nhất. Nalanda còn được xem là cái nôi của Phật Giáo Đại Thừa. Tại đây những bài giảng về tính Không, Bát Nhã, Duy Thức lần lượt ra đời và thuyết giảng. Các vị danh tăng được xem như là Bồ Tát như ngài Thế Thân, Long Thọ, Vô Trước đều xuất thân từ tu viện này. Nalanda cũng chính là điểm dừng chân cuồi cùng và lưu lại tu học của ngài Huyền Trang Tam Tạng trong hành trình Thiên Trúc thỉnh kinh của mình chứ không phải là một Tây Phương huyền bí nào đó theo mô tả trong Tây Du Ký. Sau thời gian tu học và giảng dạy tại tu viện, Huyền Trang mang về tinh hoa của Phật giáo Đại Thừa, sau này được phát triển rộng rãi khắp vùng Đông Á, kể cả Việt Nam.

Đại học Nalanda phát triển mạnh mẽ và cực thịnh trong suốt nhiều thế kỷ cho đến khi Hồi giáo xua quân xâm lượt Ấn Độ thế kỷ 12-13. Nalanda không tránh khỏi hoạ diệt vong trong cơn cuồng sát và đồng hoá tôn giáo. Tăng sĩ bị thảm sát, kinh sách bị đốt sạch, tu viện bị phát huỷ. Nalanda chìm vào quên lãng.

Năm 1861, một nhà khảo cổ người Anh, ông Cunningham, sau khi tìm hiểu về Phật Giáo và với mong ước xác thực các thánh tích, ông đã cất công đi tìm khôi rồi phục lại các thánh tích. Bằng dự cảm tuyệt vời của một nhà khảo cổ, Cunningham đã xác định được ngọn đồi cao nhất trong ngôi làng chính là tu viện Nalanda bị lãng quên. Sau khi được khai quật, tu viện hiện rõ lên gần như nguyên vẹn, với từng viên gạch, hoa văn, phòng ốc và cả ngọn tháp sừng sững.

Cách khu di tích Nalanda 2km, chính phủ Ấn Độ đã cho thành lập đại học Phật Giáo Nalanda hiện đại, đào tạo tăng sĩ Phật Giáo từ khắp nơi trên thế giới. Thầy Thích Minh Châu cũng từng theo học và giảng dạy tại đây

Ngày nay Nalanda được bảo quản rất tốt. Đường cổng vào Nalanda rất đẹp, như bất cứ trường đại học hiện đại nào, sạch sẽ với hàng cây cao xanh mát, hàng ghế đá dành cho du khách nghỉ chân. Trời nắng quá, mẹ hơi mệt nên mất khả năng tập trung. Mẹ chỉ nhớ loáng thoáng tiếng ba con giải thích: nơi này là thư phòng của vị nào đó, nơi này là giếng nước, nơi này là gì gì đó nhưng mẹ không nhớ hết. Sau đó mẹ chỉ loanh quanh nhiều nhất ở mấy hàng cây, để mặc ba con chụp hình, ngắm cảnh. Hihi.

Điểm đến tiếp theo là Kushinagar, nơi Phật nhập Niết Bàn, một thánh tích luôn gợi nhiều cảm xúc cho người chiêm bái về vòng luân hồi sinh diệt…

Bảng giới thiệu về Trúc Lâm

Vài bụi trúc bé tí

 

Một góc Trúc Lâm

  

Đường vào Nalanda rất dài, rất đẹp. Đây chỉ là đoạn cuối

  

Ngọn đồi Cunningham tìm ra

Một tháp lớn ở Nalanda sau khi khai quật

 

Nền gạch cổ

 

Hình điêu khắc trên tháp

Read Full Post »