Posts Tagged ‘Nalanda’

(Bắp Cải của mẹ, mỗi khi ba thắp nhanh bàn thờ Phật thì con chắp tay, cúi đầu sát đất lạy Phật. Mỗi khi mẹ bảo Mô Phật đi con là con làm liền. Vào chùa, không ai bảo con cũng tự nhiên lạy Phật. Khi bà nội dắt con tập đi quanh xóm, thấy bàn thờ nhà ai có đèn chớp chớp con cũng cúi đầu lạy, làm các ông bà Cụ trong xóm rất thích, còn tranh thủ hun con một cái! Bắp Cải giỏi ghê ta.)

11. Thánh địa bị lãng quên

Giã từ Linh Thứu, ba mẹ viếng thăm Trúc Lâm cách đó không xa. Đây là khu vườn vua Tần-Ba-Sa-La cúng dường Phật để tiện lợi cho việc tu tập của tăng đoàn và hoằng dương Phật Pháp. Phật đã từng trải qua nhiều mùa an cư ở đây. Trúc Lâm chính là cơ sở tu học đầu tiên của Phật giáo. Tại đây lần đầu tiên Phật giáo được tổ chức một cách có hệ thống và quy củ, được sự nhìn nhận rộng rãi của các tầng lớp dân chúng, thay thế cho hình ảnh các vị du tăng khất sĩ. Nhiều vị đệ tử lớn của Phật đã xuất thân từ Trúc Lâm, nổi bật là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Vì vậy đối với ba mẹ Trúc Lâm hẳn phải là một thánh địa quan trọng.

Trước khi đến, ba mẹ nghĩ Trúc Lâm phải có rất nhiều trúc. Và có trúc thật. Vài bụi trúc non bé tí ở cổng vào! Bên trong đó chỉ là một khuôn viên nhỏ, có hồ nước, có cỏ có cây và na ná như bất cứ cái công viên nhỏ nào ở mình. Điểm duy nhất nhận ra đây là Trúc Lâm có lẽ là dòng chữ Venu… trên bờ hồ và vài tượng Phật rải rát trong khuôn viên. Giữa khuôn viên vắng vẻ cô quạnh, tự nhiên mẹ cảm thấy một nỗi buồn vô cớ len lỏi trong tâm trí. Vương Xá xưa kia đã từng là thủ phủ của một vương triều hùng mạnh mà Trúc Lâm chính là biểu tượng tâm linh cho vương triều đó. Ngày nay, Vương Xá lẫn Trúc Lâm chỉ còn là một hình ảnh mờ nhạt ở một vùng quê hẻo lánh vùng Bắc Ấn.

Tạm biệt Trúc Lâm, tạm biệt Vương Xá, ba mẹ đến Nalanda vào buổi trưa nắng gắt, oi bức, nóng khủng khiếp. Hơn 2000 năm trước Nalanda là một tu viện Phật Giáo lớn nhất và được xem là đại học Phật Giáo đầu tiên và lâu đời nhất. Nalanda còn được xem là cái nôi của Phật Giáo Đại Thừa. Tại đây những bài giảng về tính Không, Bát Nhã, Duy Thức lần lượt ra đời và thuyết giảng. Các vị danh tăng được xem như là Bồ Tát như ngài Thế Thân, Long Thọ, Vô Trước đều xuất thân từ tu viện này. Nalanda cũng chính là điểm dừng chân cuồi cùng và lưu lại tu học của ngài Huyền Trang Tam Tạng trong hành trình Thiên Trúc thỉnh kinh của mình chứ không phải là một Tây Phương huyền bí nào đó theo mô tả trong Tây Du Ký. Sau thời gian tu học và giảng dạy tại tu viện, Huyền Trang mang về tinh hoa của Phật giáo Đại Thừa, sau này được phát triển rộng rãi khắp vùng Đông Á, kể cả Việt Nam.

Đại học Nalanda phát triển mạnh mẽ và cực thịnh trong suốt nhiều thế kỷ cho đến khi Hồi giáo xua quân xâm lượt Ấn Độ thế kỷ 12-13. Nalanda không tránh khỏi hoạ diệt vong trong cơn cuồng sát và đồng hoá tôn giáo. Tăng sĩ bị thảm sát, kinh sách bị đốt sạch, tu viện bị phát huỷ. Nalanda chìm vào quên lãng.

Năm 1861, một nhà khảo cổ người Anh, ông Cunningham, sau khi tìm hiểu về Phật Giáo và với mong ước xác thực các thánh tích, ông đã cất công đi tìm khôi rồi phục lại các thánh tích. Bằng dự cảm tuyệt vời của một nhà khảo cổ, Cunningham đã xác định được ngọn đồi cao nhất trong ngôi làng chính là tu viện Nalanda bị lãng quên. Sau khi được khai quật, tu viện hiện rõ lên gần như nguyên vẹn, với từng viên gạch, hoa văn, phòng ốc và cả ngọn tháp sừng sững.

Cách khu di tích Nalanda 2km, chính phủ Ấn Độ đã cho thành lập đại học Phật Giáo Nalanda hiện đại, đào tạo tăng sĩ Phật Giáo từ khắp nơi trên thế giới. Thầy Thích Minh Châu cũng từng theo học và giảng dạy tại đây

Ngày nay Nalanda được bảo quản rất tốt. Đường cổng vào Nalanda rất đẹp, như bất cứ trường đại học hiện đại nào, sạch sẽ với hàng cây cao xanh mát, hàng ghế đá dành cho du khách nghỉ chân. Trời nắng quá, mẹ hơi mệt nên mất khả năng tập trung. Mẹ chỉ nhớ loáng thoáng tiếng ba con giải thích: nơi này là thư phòng của vị nào đó, nơi này là giếng nước, nơi này là gì gì đó nhưng mẹ không nhớ hết. Sau đó mẹ chỉ loanh quanh nhiều nhất ở mấy hàng cây, để mặc ba con chụp hình, ngắm cảnh. Hihi.

Điểm đến tiếp theo là Kushinagar, nơi Phật nhập Niết Bàn, một thánh tích luôn gợi nhiều cảm xúc cho người chiêm bái về vòng luân hồi sinh diệt…

Bảng giới thiệu về Trúc Lâm

Vài bụi trúc bé tí

 

Một góc Trúc Lâm

  

Đường vào Nalanda rất dài, rất đẹp. Đây chỉ là đoạn cuối

  

Ngọn đồi Cunningham tìm ra

Một tháp lớn ở Nalanda sau khi khai quật

 

Nền gạch cổ

 

Hình điêu khắc trên tháp

Read Full Post »